Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rải rác bệnh mùa hè như: Bệnh tay chân miệng, bệnh sởi. Các bác sỹ khuyến cáo thời tiết nóng nực là lúc các bệnh theo mùa gia tăng mạnh, đôi khi phát triển thành dịch. Trong đó có các bệnh liên quan thời tiết mùa hè (như say nắng, cảm lạnh, tiêu chảy, viêm mũi - họng, viêm phổi, chốc lở, rôm sảy...), các bệnh truyền nhiễm đường ruột (như tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tả, lỵ, thương hàn...), các bệnh truyền nhiễm (như tay - chân - miệng, cúm, lợn tai xanh), bệnh do muỗi là trung gian truyền bệnh (sốt xuất huyết, viêm não...).
Thời tiết nóng nực khiến trẻ khó chịu nên phụ huynh thường có xu hướng cho con ăn đồ ăn mát, uống nước mát hoặc nước đá lạnh để giải khát. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân làm cho siêu vi và vi trùng ở vùng hầu họng phát triển gây viêm hô hấp trên, sốt siêu vi, có thể diễn tiến đến viêm phế quản cấp. Mặc dù viêm phế quản cấp là bệnh nhẹ, đa số bệnh khỏi sau một tuần bệnh, nhưng dễ tái phát và cũng có thể diễn tiến đến viêm phổi, hay gây ra viêm tai giữa. Thời tiết mùa hè nóng nực gây đổ mồ hôi nhiều và ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da trẻ. Trong khi đó, miệng ống bài tiết dễ bị bụi bít kín khiến da nổi rôm sảy, các mẩn ngứa đỏ ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Rôm sảy có thể làm trẻ khó chịu, khó ngủ, bỏ ăn.
Thời tiết nóng bức của mùa hè cũng là điều kiện để vi khuẩn hoạt động mạnh khiến thức ăn nhanh chóng bị ôi thiu và gây ra ngộ độc thức ăn. Độc tố của vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát tác trong khoảng từ 12-36 giờ và các triệu chứng gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Vi khuẩn E.coli, tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm thường có nhiều trong nước uống, rau sống, thịt nhiễm khuẩn. Ngoài ra trẻ còn có thể bị tiêu chảy do virus hay nhiễm trùng tiêu hóa do tả, lỵ, thương hàn… Mùa hè cũng là mùa của các bệnh do virus, trong đó phải kể đến viêm não và sốt xuất huyết. Dấu hiệu cơ bản để nhận biết sốt xuất huyết là sốt cao, xuất huyết dưới da để lộ những chấm màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm hoặc chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, đau bụng, trẻ mệt, li bì, vật vã, tay chân lạnh, tiểu ít có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.
Cách phòng bệnh mùa hè
Mùa hè cũng là mùa của các bệnh do virus, trong đó phải kể đến viêm não và sốt xuất huyết. Nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, phụ huynh tuyệt đối không được điều tại nhà vì có thể để lại biến chứng nguy hiểm ở não và gây tử vong nếu điều trị muộn. Mùa hè cũng là thời điểm khiến trẻ dễ bị mắc nhiều bệnh theo mùa. Do đó, nhằm giúp trẻ đề phòng bệnh tật, bên cạnh biện pháp tiêm ngừa đối với những loại bệnh có vaccine, bù đủ nước mất cho cơ thể, bổ sung vitamin từ trái cây, rau tươi để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý bảo vệ trẻ từ những việc nhỏ nhất như cho trẻ rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn uống hợp vệ sinh, thực phẩm an toàn và được nấu chín, không ăn ngoài hàng quán; uống nước sạch và nguồn nước tắm rửa sạch. Nếu cho trẻ đi chơi mùa hè, cha mẹ cần cho bé ăn hàng quán sạch sẽ, hợp vệ sinh; uống nước đầy đủ (tránh nước đá lạnh); luôn giữ trẻ thoáng mát, khô thoáng (khi vui chơi ra nhiều mồ hôi thì nên lau khô người, thay quần áo mới).
Bên cạnh đó, để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần đảm bảo một số nguyên tắc khi chế biến thức ăn như rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi bắt đầu nấu ăn; để thịt đông lạnh tan giá từ tủ đá xuống tủ dưới hoặc để lò vi sóng trước khi nấu, không nên để ngoài nhiệt độ bình thường ngay; nấu thịt ở nhiệt độ ít nhất khoảng 70 độ C và nấu chín thịt cho đến khi không nhìn thấy màu đỏ ở thịt nữa; không để đồ thịt chín vào đĩa hoặc thớt trước đó đựng thịt sống; không để chung thức ăn nóng và thức ăn lạnh chung một chỗ. Ngoài ra, trong trường hợp cho trẻ đi ra ngoài thì nên cho bé đội mũ rộng vành, áo khoác và găng tay để tránh mất quá nhiều mồ hôi và chống say nắng. Để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, phụ huynh nên cho trẻ ngủ màn, đồng thời dùng thuốc diệt muỗi, hương xua muỗi, dùng lưới bảo vệ nhà cửa, vệ sinh nhà cửa để hạn chế những nơi muỗi có thể sinh sản và phát triển.