1. Trò chơi truyền tin
Luật chơi: Trẻ sẽ nói thì thầm với bạn bên cạnh và không được để bạn đội khác nghe được
Cách chơi:
-
Cô giáo chia lớp thành 2- 3 nhóm sau đó đứng thành vòng tròn sau đó cô gọi mỗi nhóm một trẻ và nói thì thầm với trẻ cùng một câu. Ví dụ: “hôm nay trời nắng đẹp”, “Các bé chăm ngoan học giỏi”,…
-
Các trẻ nghe xong câu của cô sẽ đi về nhóm của mình và nói thầm vào tai bạn bên cạnh, nói lần lượt tới bạn cuối cùng.
-
Bạn cuối sẽ là người nói to để cho cô và các bạn cùng nghe. Nhóm chơi nào truyền tin nhanh và đúng nhất sẽ là nhóm thắng cuộc.
Tác dụng của trò chơi: Trò chơi truyền tin là một trong những trò chơi tập thể cho trẻ mầm non rất thú vị, vừa giúp trẻ hình thành khả năng hoạt động nhóm, tăng sự đoàn kết trong lớp học, vừa giúp trẻ rèn luyện trí nhớ.
2. Trò chơi chạy tiếp sức
Luật chơi: Đội nào về trước sẽ cùng với hàng ngũ và đội hình ngay ngắn sẽ trở thành đội thắng cuộc. Thời gian chơi khoảng 15 đến 20 phút.
Cách chơi:
-
Các cô hãy cho các trẻ chơi ở nơi rộng rãi, bằng phẳng.
-
Cô hãy kẻ hai vạch mức song song cách nhau khoảng 8 đến 10 mét, dài khoảng 3 đến 4 mét và chuẩn bị số gậy nhỏ bằng số hàng của một bên vạch mức (2 đến 4 gậy).
-
Cô giáo chia trẻ thành hai đến 4 nhóm nhỏ và xếp thành hàng dọc đứng hai bên vạch xuất phát. Mỗi trẻ ở đầu hàng bên trái sẽ cầm một cây gậy nhỏ, khi nghe thấy hiệu lệnh của cô giáo, trẻ cầm gậy ở đầu hàng trái sẽ nhanh chân chạy sang trao gậy cho trẻ bên hàng phải, sau đó chạy đến xếp hàng vào cuối hàng phải.
-
Trẻ nào nhận được gậy nhanh chóng chạy sang trao gậy cho bạn số hai của hàng trái rồi chạy tới đứng vào cuối hàng đó. Trò chơi cứ như vậy cho đến khi hết.
Tác dụng của trò chơi: Trò chơi chạy tiếp sức giúp trẻ vận động cơ thể, rèn luyện sức khỏe đồng thời tăng khả năng làm việc nhóm.
3. Trò chơi cầm tay
Luật chơi: Các bé thực hiện theo hiệu lệnh của cô giáo.
Cách chơi:
-
Đối với trò chơi cầm tay, cô giáo hãy cho trẻ tự do đứng trong lớp học. Khi cô nói “tay cầm tay”, hai, đến 3 trẻ cầm tay nhau và nhắc lại câu nói của cô giáo. Cô tiếp tục nói “đầu chạm đầu”, từng nhóm hai đến ba bạn sẽ chạm đầu vào nhau và nhắc lại câu cô vừa nói.
-
Ngoài ra các cô có thể thay đổi các câu lệnh khác, ví dụ “lưng chạm lưng”, “vai kề vai”, “chân chạm chân”,…
Tác dụng của trò chơi: Giúp trẻ rèn luyện trí nhớ và khả năng ngôn ngữ (thông qua việc hiểu và thực hiện theo hiệu lệnh của cô giáo), đồng thời giúp trẻ gắn bó với bạn bè.
4. Trò chơi chuyền bóng
Luật chơi: Trong lúc chuyền bóng, trẻ nào làm rơi sẽ phải ra ngoài một lần chơi.
Cách chơi:
-
Cô giáo chuẩn bị hai đến ba quả bóng, sau đó cho trẻ đứng thành hình tròn, nếu lớp đông các cô có thể chia nhóm chơi. Cứ 10 trẻ thì sẽ có 1 trẻ cầm bóng. Chuẩn bị sẵn sàng xong cô giáo hô “bắt đầu”, trẻ cầm bóng đầu tiên sẽ chuyền cho bạn thứ hai và lần lượt theo chiều kim đồng hồ.
-
Trẻ vừa hát vừa chuyền bóng: “Không có cánh – Mà bóng biết bay – Không có chân – Mà bóng biết chạy – Nhanh nhanh bạn ơi – Nhanh nhanh bạn ơi – Xem ai tài, ai khéo – Cùng thi đua nào.”
Tác dụng của trò chơi: Trò chơi chuyền bóng là một trong những trò chơi tập thể cho trẻ mầm non nhằm rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật, tính đoàn kết tập thể của trẻ. Đồng thời giúp trẻ phát triển sự khéo léo, nhanh nhẹn, khả năng ghi nhớ, tập trung chú ý, khả năng phối hợp cùng đồng đội khi chơi trò chơi.
5. Trò chơi Cướp cờ
Luật chơi: Các đội chơi cướp cờ theo hiệu lệnh, đội nào lấy được nhiều cờ và đúng chữ là thắng cuộc.
Cách chơi:
-
Cô giáo cho lớp tập trung ở sân, sau đó chia lớp thành 2 đội, mỗi đội có số người chơi bằng nhau. Tiếp theo cô vẽ 1 vòng tròn đường kính khoảng 30cm và đặt ống cắm cờ vào giữa. Trong ống có để các lá cờ, trên mỗi lá cờ in 1 chữ cái.
-
Cô cho hai đội tập trung ở vạch xuất phát cách nơi cắm cờ khoảng 3-4m.
-
Sau đó, cô ra hiệu lệnh “Chuẩn bị”, thì mỗi đội cử 1 bạn đứng trước vạch xuất phát. Tiếp theo, cô ra hiệu lệnh “Cướp cờ chữ A”, thì hai bạn của mỗi đội chạy về phía cắm cờ và lấy đúng lá cờ có in chữ A, rồi chạy nhanh về đội của mình.
-
Tiếp theo cô lại ra hiệu lệnh để các bạn ở các đội lần lượt lên cướp cờ cho đến khi hết cờ ở trong ống.
Tác dụng của trò chơi: Luyện khả năng nhận biết nhanh các chữ cái và rèn luyện khả năng nhanh nhẹn, tính kỷ luật.
6. Trò chơi Mèo đuổi chuột
Luật chơi: Mèo đuổi theo chuột, đến khi bắt được chuột thì mèo chiến thắng.
Cách chơi:
-
Cô chọn 2 bạn, một bạn đóng làm chuột và một bạn đóng làm mèo. Các bạn còn lại nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn. Mèo và chuột đứng trong vòng tròn.
-
Cô cho các bạn hát bài đồng dao “Chuột nhắt chít chít – Mèo con meo meo – Chẳng chạy được đâu – Mèo con nhanh chân – Tóm ngay chuột nhắt – Chít chít chít chít”, trong khi đó thì bạn chuột sẽ chạy trước qua các khoảng trống giữa 2 bạn (ở vòng tròn), bạn mèo đuổi theo sau. Khi kết thúc bài hát đồng dao mà mèo bắt được chuột là mèo thắng. Ngược lại, nếu không bắt được là mèo thua cuộc.
-
Cô tiếp tục cho các bạn khác lên đóng vai mèo và chuột.
Tác dụng của trò chơi: Đây là một trong những trò chơi tập thể cho trẻ mầm non được các bé rất yêu thích. Trò chơi này giúp các bé rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo. Đồng thời còn giúp bé tăng khả năng ghi nhớ và phát âm khi hát bài đồng dao.
Trên đây là các trò chơi tập thể cho trẻ mầm non mà ba mẹ và cô giáo có thể tham khảo để tổ chức cho các bé tham gia, vừa chơi vừa học, vừa rèn luyện thể chất và tinh thần đoàn kết, khả năng làm việc nhóm của trẻ.
Hiện nay, TGB Preschool đang xây dựng chương trình đào tạo áp dụng phương pháp dạy học theo dự án – phương pháp giáo dục sớm và dựa trên Thuyết Trí thông minh đa dạng của Tiến sĩ Howard Gardner. Các bé có thể khám phá bản thân mình bằng những trải nghiệm thực tế, tìm hiểu các chủ đề về cuộc sống từ nhiều góc độ qua các hoạt động “góc trí thông minh đa dạng”. Bên cạnh đó, các trò chơi tập thể cho trẻ mầm non, các trò chơi thông minh, trò chơi âm nhạc… giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.