Thời tiết mùa đông thay đổi theo chiều hướng lạnh và ẩm hơn, kèm theo mưa thất thường nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Thời điểm này các bé rất dễ bị cảm lạnh, viêm phổi... đặc biệt là nhóm trẻ dưới 12 tháng tuổi do sức đề kháng của bé chưa hoàn thiện. Khi đó, nếu cha mẹ có phương pháp chăm sóc và cách cho bé ăn vào mùa đông phù hợp sẽ góp phần phòng ngừa những tác động không tốt đến sức khỏe của thời tiết.
1. Cho bé ăn mùa đông như thế nào?
Để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật và đáp ứng nhu cầu năng lượng của bé, các món ăn mùa đông cho trẻ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Đặc biệt, các loại ngũ cốc nguyên cám có khả năng cung cấp năng lượng lâu dài, còn các loại đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, chất béo từ dầu thực vật giúp bé không bị đói và tránh tình trạng mất sức.
1.1. Nhóm tinh bột
Mùa đông là thời điểm cơ thể trẻ nhỏ cần lượng tinh bột (hay chất đường) nhiều hơn so với những thời điểm khác trong năm. Do đó, các món ăn mùa đông cho trẻ đòi hỏi cung cấp nhiều tinh bột hơn bình thường.
Nguồn cung cấp tinh bột thông thường là từ cơm (gạo), mì, cha mẹ có thể đa dạng các món ăn chứa nhiều tinh bột như khoai tây, khoai lang, bí đỏ... Ưu điểm của các loại thực phẩm này là thành phần chứa nhiều đường đa (trong khi đó bánh kẹo chỉ chứa đường đơn) giúp cơ thể trẻ no lâu hơn, cung cấp năng lượng nhiều hơn.
Để gia tăng sự ngon miệng và hấp dẫn trẻ ăn nhiều hơn, cha mẹ hãy chế biến đa dạng các món ăn mùa đông cho trẻ tùy theo sở thích, qua đó cung cấp tinh bột và năng lượng cho cơ thể.